NGHĨ SAO TRƯỚC NHỮNG TAI NẠN ?

Tôi tin rằng, mặc dù rất cần, song cả những phương hướng chung như tăng cường giáo dục luật pháp, hoặc những biện pháp cụ thể như buộc mọi người đội mũ bảo hiểm … đều là không đủ trước tình hình tai nạn giao thông đang bùng nổ hàng ngày như hiện nay.
Một điều thiết yếu không kém cần làm lúc này là đi vào lý giải tâm lý và cách sống của rất đông chúng ta .


1. Bắt đầu từ những dục vọng
Nhân vụ đổ tàu E1 ở Trị Thiên Huế, đầu năm 2005, tôi đọc được một bài viết khá hay của nhà văn Võ Thị Hảo trên VietnamNet. Sau khi nói rằng thắp ít nén nhang cho người bị nạn, tác giả bảo muốn dành một nén cho con đường sắt cổ lỗ cũ kỹ. Đó là những con đường được làm thuở dân ta mới có hai mươi triệu. Ngày nay, nó chẳng khác gì những đôi chân suy dinh dưỡng buộc phải cõng trên mình bao nhiêu dục vọng ghê gớm của thời kinh tế thị trường. Tai nạn trước sau sẽ tới trên những con đường như vậy.
Cách ví von của Võ Thị Hảo còn trở lại với đầu óc tôi mỗi khi đón nhận những tin tai nạn giao thông đang xảy ra dồn dập gần đây. Nhớ nhất là cái lần trong một tuần hai nhà khoa học một của Mỹ, và một của Việt Nam bị tai nạn. Hoặc nhớ cái lần xe chở mấy chục em học sinh đâm vào tầu hỏa.
Một con số trên báo cho thấy hàng ngày cả nước trung bình có khoảng 40 ca tử vong, mật độ đã lên đến mức nghiêm trọng nhất thế giới.
Lý do khiến cho tai nạn vô phương cứu chữa trước tiên có liên quan tới phương tiện và luật pháp .
Sự lạc hậu của đường xá phương tiện bao gồm cả số lượng lẫn chất lượng. Ngay ở các thành phố lớn, đường xá không phát triển kịp theo dân số. Mà toàn đường làm từ lâu, cày đi xới lại nhiều lần, đắp điếm tùy tiện, như ở Hà Nội, nhìn kỹ thật chẳng khác là bao so với cái thời cả nước mới có vài cái Pobeda, Moskovits tòng tọc, còn cả thành phố đi xe đạp.
Hàng ngày phải theo đê lên cầu Chương Dương đi làm, tôi rất sợ mấy quãng rẽ, quãng nào đường cũng mấp ma mấp mô ; muốn tránh những chỗ mấp mô lượn sóng ổ gà ổ voi đó, người ta dễ làm phiền người khác và cũng gây ra tai vạ như chơi.
Phương tiện đã vậy, luật pháp lại đơn giản, không theo kịp sự phát triển của thực tế. Các loại xe lẫn lộn trên một làn đường. Và sự thực thi luật pháp lại không nghiêm người phóng nhanh vượt ẩu rất nhiều,-- cái lối vừa ngồi trên xe vừa gọi điện thoại di động tôi nhớ đã có lệnh cấm, mà ngày một phát triển.
Tuy nhiên cái cần nhấn mạnh nhất, theo tôi là vấn đề tâm lý , tâm lý con người với mọi nghĩa của nó .
Khi được hỏi rằng tại sao đến Việt Nam, một người nước ngoài bảo đến để tìm lại những cái mà trên thế giới nay không đâu còn. Trong số những cái mà trên thế giới không đâu còn này, có cả những khía cạnh tâm lý.
Khi tham gia giao thông, nhiều người chỉ biết có mình. Ra đường là tranh giành không gian sống của người khác. Chen chúc luồn lách. Mắm môi mắm lợi mà phóng. Lao về phía trước bằng tất cả sức lực sẵn có. Thứ tâm lý cổ lỗ chỉ thấy ở con người tham gia những guồng máy giao thông đơn giản ấy, đến nay vẫn ngự trị.
Nhớ lại văn học tiền chiến, tôi thường ngạc nhiên trước sự bình thản trong nếp sống của con người ngày xưa. Đọc Hai đứa trẻ, Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam, thấy cuộc sống sao mà nề nếp, đúng giờ đó thì có việc đó, mọi người yên tâm chấp nhận cái sự an bài như một định mệnh.
Còn ngày nay nhìn qua trên đường, nét mặt người nào cũng bừng bừng dục vọng.Thèm thuồng mong mỏi nhiều quá.Nói như các cụ ngày xưa: Chí lớn hơn người. Từng người là thế mà cả xã hội cũng thế.
Trở lại chuyện tàu đổ năm trước. Sau những căm giận đối với hành vi cho tàu chạy quá tốc độ quy định đã có người tỏ ý thông cảm: Nên nhớ là với những người lái, luôn luôn có chuyện phấn đấu để rút giờ chạy tàu xuống thấp hơn. Đường xấu ; người đi đường cứ lao vào đường sắt như thiêu thân; các ga điều hành kém gây mất thời gian chờ đợi; trong khi đó thì cả xã hội đòi hỏi giảm giờ chạy tàu và cơ quan chỉ thưởng cho những con tàu về kịp thời gian mới được rút ngắn.
Đây chỉ là một ví dụ về cái sự vênh váo giữa một bên là khả năng non yếu, với một bên là mong mỏi quá cao ( dù là chính đáng, song vẫn là quá cao ) của con người thời nay. Nó đang gây tai nạn trên nhiều lĩnh vực khác, chứ không riêng trong giao thông.

2. Bệnh sốt ruột và tâm lý bày đàn

-- Liệu có thể nói rằng hàng ngày phóng xe đi lại trên đường Hà Nội anh chưa một lần vượt đèn đỏ trái phép? Anh đừng chối, đúng là có chứ gì ? Mượn cái chữ của các cơ quan quản lý, vậy là có những lúc anh đã thiếu ý thức. Có bao giờ anh thử giải thích với chính mình tại sao cái gọi là ý thức giao thông khó bồi dưỡng đến vậy?
Một anh bạn đã độp vào mặt tôi mà tương ra những câu hỏi hắc búa trên, đúng vào những ngày giao thông đang trở thành câu chuyện đầu miệng giữa mọi người.
Bởi anh đã cài trước rằng đừng có chối, nên tôi cũng phải thành thực mà nhận. Nhận rằng có đôi lúc không tự chủ được. Nhìn trước nhìn sau không có công an đứng đón là tranh thủ làm một cú ào qua đường. Chẳng qua không phải là làm thường xuyên thôi. Và phải nói ngay là nhiều lần khác, cái ý định ào qua đường ấy đã đến, rồi thấy có lẽ cũng hơi nguy hiểm, nên bấm bụng chờ đợi.
Tôi nghĩ rằng trước hết ở đây, nói cho to tát ra, có cái tạm gọi là “căn bệnh thời đại “ : bệnh sốt ruột. Hình như nay là lúc ai cũng vội. Hàng ngày mở mắt ra đã thấy bao nhiêu việc chờ mình. Ý nghĩ chúng ta đi quá nhanh. Mà tốc độ đi lại thì quá chậm. Đó là một lẽ. Nhưng không chỉ có vậy.
Hồi còn sống, nhà văn Phan Tứ ( tức Lê Khâm ) nổi tiếng máy móc, đi đâu ông cũng túi dết khẩu trang đàng hoàng. Nhà thơ Xuân Quỳnh dự đoán “ Ông này 12 giờ đêm qua ngã tư vẫn giơ tay xin đường...”.Theo tôi, cái thói quen ấy của Phan Tứ có liên quan đến cuộc sống nền nếp mà bây giờ không sao khôi phục nổi. Những năm bảy mươi của thế kỷ trước, giao thông Hà Nội còn khá quy củ. Chắc Phan Tứ cũng có lúc khổ vì thói quen của mình, muốn sửa mà không sửa được.
Còn chúng tôi bây giờ thì khác. Cái đời sống nhộn nhạo chung quanh lúc nào cũng thầm thì vào tai tôi “ Luật lệ là một chuyện, nhưng kìa, nhìn xem trên đường phố và ở bao nhiêu những góc tối của cái thành phố này, bao nhiêu người đang phạm luật. Mình chỉ là một thành viên bé nhỏ của cái guồng máy khổng lồ. Giữ gìn chỉ thiệt ! ”
Ở trên tôi vừa nói là có những lúc tôi đã định ào qua đèn đỏ, rồi kịp kiềm chế, và lâu dần thành một thói quen sống bình tĩnh, từ tốn, sống biết chờ đợi.
Nhưng có những lúc lạ lắm. Rõ ràng đã tự nhủ rằng “ không đi đâu mà vội” rồi, mà vẫn cứ đâm đầu phạm lỗi. Nghĩ lại thì hóa ra lúc ấy có mấy người khác cũng làm cái chuyện bậy bạ đó và mình bị cái tâm lý bày đàn chi phối.
Phương Tây từng có câu chuyện ngụ ngôn kể về một anh nọ hại một nhà buôn cừu bằng một cách lừa đơn giản. Trên chuyến tàu vượt bể, anh ta gạ mua của nhà buôn chỉ một con với giá rất đắt. Để làm gì ? Để quẳng nó xuống biển. Kết quả đau lòng, cả đàn cừu của gã nhà buôn cùng nhảy xuống theo.
Tôi biết rằng người ta sẽ cãi lại : “Ý thức của anh đâu ? ”.
Ai cười thì tôi cũng xin chịu, nhưng phải nhận trong con người tôi lúc ấy có một con cừu nó thức dậy.
Người ta thích bắt chước nhau lắm. Bắt chước cái tốt thì khó chứ chạy theo cái xấu thì dẽ ợt, có ai cần phải cố gắng.
Hồi Hà Nội còn xe đạp nhiều hơn xe máy, đến Thư viện quốc gia, giới bạn đọc bọn tôi ( kể cả những người già như tôi, chứ không phải chỉ các cô các cậu sinh viên ) có thói quen phóng cả xe qua cái cửa hẹp. Mới đầu mấy sinh viên nước ngoài nhìn thấy thế lắc đầu, bảo người Việt các anh lạ thật đấy, vội vội vàng vàng, trăm người như một. Vài năm sau, chính họ cũng làm thế, cũng phóng xe qua cửa rồi mới xuống xe, một cách “ tự nhiên như người Hà Nội ”. Nói như dân gian, do ở đây lâu, họ đã ăn phải đũa người Việt lúc nào không biết.
Kết luận cuối cùng của tôi : trong điều kiện giao thông vừa manh mún vừa quá tải, nói chung là trong điều kiện đời sống còn rất lạc hậu như hiện nay, những rủi ro là khó tránh khỏi. Nhắc nhở nhau về ý thức là cần nhưng cũng nên biết ở đây không phải chỉ có ý thức mà còn cái chuyện gọi là tâm lý cá nhân nữa. Trong tâm lý của mỗi người đều in dấu của xã hội. Rồi ra xã hội có tiến lên thì tâm lý con người mới khá lên theo được.

3. Tự do phải bị hạn chế
-- Sau khi mua xong cái xe máy cho đứa con thứ hai mà lòng cứ bâng khuâng không yên, lo có buồn có !
Giả sử bây giờ nghe tôi nói vậy, hẳn mọi người sẽ bỏ qua chả buồn để ý nghe. Trong bụng, chắc có người còn thoáng qua cái cảm giác ngán ngẩm, cho tôi là giả vờ giả vịt, hoặc ra cái điều lập dị !
Nhưng quanh đi quẩn lại tôi vẫn cứ bị cái ý nghĩ “kỳ kỳ”kia chi phối.
Gia đình tôi cũng chỉ thuộc loại trường thường bậc trung trong xã hội. Cùng lúc với chúng tôi, có biết bao gia đình khác, con cái lớn lên và cũng bước vào những cuộc sắm sửa nho nhỏ, từ chỗ ăn chỗ ở tới phương tiện đi lại.
Thời bao cấp, thấy có thứ hàng nào mới xuất hiện, người ta phải lo mua ngay, chỉ sợ ít lâu sau ai cũng muốn mua thì không lùng ra hàng nữa.
Nay thì cái tâm lý đó đã trở thành … cổ tích. Hàng hóa ê hề, chỉ sợ không có tiền.
Ngày xưa có mua cái xe đạp thì tính dùng cả đời, thậm chí trở thành gia tài cho con cháu. Nay xe làm ra vượt cả nhu cầu, cái cũ chưa hỏng, đã tính chuyện thay chuyện đổi.
Có dịp để ý phương tiện giao thông trên đường, người ta phải mừng, khi thấy có nhiều loại xe mới xuất hiện. Có thể đoán nay là lúc đám trẻ năng động làm ra nhiều tiền và thích ăn diện để khẳng định mình, đám trẻ ấy thường xuyên bước vào những cuộc đổi xe ( Tương tự như nhiều gia đình trước làm tạm chỗ để ở, nay phá đi làm lại nhà cho phù hợp với nhu cầu ăn ở hiện đại ).
Nghe lõm bõm không rõ có đúng không nhưng đâu có ngày cao điểm, Hà Nội đăng ký hơn một vạn xe máy mới. Và tổng cộng thành phố hơn năm triệu dân này (?) có tới 1,9 triệu xe máy.
Viễn cảnh một đô thị tràn ngập xe như vẽ ra trước mặt tôi : xe máy nối đuôi nhau thành hàng lũ lượt ; xe máy ken chặt đường phố ; xe máy lấp đầy các khoảng trống giữa người với người : bãi chứa xe mang hình một lớp rào uốn lượn viền quanh các khu nhà.
Chẳng phải là ở khu phố cổ hiện nay, người đi bộ thường phải len lỏi giữa những chiếc xe máy chiếm chỗ vỉa hè, và nếu lấy lại vỉa hè thì xe máy được gửi lại tràn xuống đường, chiếm chỗ của các xe máy đang hoạt động đó sao?
Những phiền phức vì xe trở nên muôn màu muôn vẻ. Xe nọ xe kia lủng củng tránh nhau. Đường phố nhiều chỗ bị tắc. Nhiều quãng đèn đỏ phải chờ hai ba nhịp mới qua nổi.
Còn cái vạ lớn là tai nạn giao thông ư, xe nhiều thế này thì đâm đổ nhiều hơn là cái chắc.
Bây giờ thì chắc bạn đã bắt đầu thông cảm với nỗi lo của tôi rồi chứ . Tôi nghĩ chẳng có gì xấu nếu vừa làm lây nỗi lo sang bạn.
Tháng 4-07, làm một chuyến du lịch bụi trên mấy tỉnh miền nam Trung quốc( Quảng Đông, Quảng Tây và đảo Hải Nam ), dù đã biết trước, tôi vẫn không tránh khỏi thảng thốt trước hiện tượng tất cả xe máy buộc phải chuyển sang sử dụng chạy điện. Đất nước hơn một tỉ người nhưng đời sống có chút gì đó thanh bình, không dữ dằn như giao thông bên mình.
Khắp trên toàn quốc, họ ngày càng tính chuyện hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân làm ngổn ngang đường phố. Nghe nói muốn đăng ký một phương tiện mới – kể cả ô tô – phải trù tính hàng năm. Tỷ lệ giữa đầu xe và diện tích đường xá luôn luôn được nhà cầm quyền cân nhắc để không vượt quá mức cho phép.
Còn ở ta, nếu tôi không nhầm thì đang trong tình trạng … tự do nhất thế giới.
-- Có tiền là tôi mua xe, cốt không đâm đổ xe khác là được.
-- Tốc độ trên đường ư, khả năng gây ra tai nạn ư, sự tàn phá môi trường ư, xin xếp lại cho tôi nhờ.
-- Hôm qua anh tự do mua xe, tại sao đến lượt tôi lại hạn chế ?

Những thứ lý sự kiểu đó lập tức vẳng lên trong đầu tôi khiến cho giá có đôi lúc lẩn mẩn tính chuyện đề nghị phải hạn chế việc bán xe thêm thì cũng phải rút ngay lại. Bởi nó là hạn chế một thứ quyền tự do thiêng liêng của người ta cơ mà !
Xét trên lý thuyết, cứ đà này, rồi sẽ đến lúc thành phố không còn đường mà đi, ngồi xe tốc độ chỉ bằng đi bộ. Dù ngày ấy chưa biết bao giờ mới tới, bước chân của nó đã càng ngày càng rõ.
Nhưng “người lo xa” đang là một khái niệm không hợp thời ở nhiều gia đình Hà Nội. Con cái vốn không thích nghe người già lo xa vẽ ra những bức tranh mờ xám. Còn giá như một người bà con bên quê mà nghe được một người người dân Thủ đô lo như vậy thì họ sẽ cho một câu xanh rờn :
---Rõ lo bò trắng răng !
( Câu thành ngữ này nếu được đọc đầy đủ thì sẽ là : Lo gì mà lo-- lo bò trắng răng—lo ông trời đổ, lo thằng trên cao !)
Chính do không tìm ra mấy ai thông cảm cho nỗi lo ngớ ngẩn nói trên mà tôi còn thoáng buồn nữa, dù thừa biết buồn thời nay là lạc lõng. Chúng ta là một xã hội chỉ thích bàn chuyện trước mắt, còn sang năm sang năm nữa ra sao, người ta không quan tâm.

Không có nhận xét nào: