Thích ứng đến không còn là chính mình

Chỉ những trận cầu play-off mới đáng xem. Bởi đó là những trận một sống một còn người ta phải loại trừ nhau để tồn tại -- trong một số báo trước tôi đã ghi nhận sự thực đó trong bóng đá để minh chứng cho cuộc đấu tranh sinh tồn nhiều khi quá khắc nghiệt trong lòng xã hội Việt.

Blog & website bạn bè
Nhưng các nhà báo thể thao còn nói thêm : trong khi play-off thì các cuộc đấu ở giải ngoại hạng thường lại quá nhàm chán . Có cảm tưởng là người ta sợ vô địch .Vì nhiều lý do khác nhau ,trong đó có một lý do là vô địch sẽ rất mệt . Đứng ở đỉnh cao rất tốn kém . Bị ràng buộc bị đòi hỏi nhiều . Lơ là một tí là bị xô đổ . Cái được chẳng là bao so với cái mất.
Kết hợp cả hai hiện tượng trên , có thể đọc ra một quy luật hai mặt: Đừng ai hòng “giết” chúng ta . Muốn loại ta ra khỏi cuộc sống , sự chống trả sẽ diễn ra đến cùng. Dẫu phải cạp răng vào đất ta cũng chẳng từ .
Song bảo từng cá nhân tự vượt mình thì lại là chuyện bất khả , đến ông trời cũng phải lắc đầu .
Nói cách khác con người nơi đây thường dừng lại ở tình trạng dang dở nửa vời . Không có nhu cầu hoàn thiện . Cuộc sông lan ra theo chiều rộng mà không vươn lên theo chiều cao

Những năm trước sau 1970 , tôi từng phụ việc biên tạp thơ ở một tạp chí . Mỗi tháng , tôi phải chọn để trình lên trên độ mươi –mười lăm bài thơ . Cái khó của tôi là -- với từng nhà thơ mà với cả nền thơ cũng vậy -- bài có thể đăng luôn quá nhiều , vài chục bài cũng có . Trong khi đó để tìm cho được một hai bài thật hay thường không có .
Điều quan trọng là trong thâm tâm nhiều nhà thơ chỉ lo sản xuất đều đều , mà không tính chuyện vượt mình . Người ta bảo rằng một trong những lý do khiến Hemingwway tự tử là do sau khi viết Ông già biển cả , tác giả cảm thấy mình không bao giờ viết hơn được nữa . Tâm lý đó xem ra xa lạ với các nhà thơ Việt
Tâm lý dừng lại thỏa mãn xa lạ với sự hoàn thiện có thể bắt đầu từ một cuộc sống quá dễ dàng và sự tự bằng lòng đến với người ta một cách tự nhiên; mà cũng có khi bắt đầu từ một cuộc sống quá khó khăn mỗi phen vươn lên là một lần tróc da sày vẩy.Trong cả hai trường hợp cái chính là chúng ta thiếu sự dẫn dắt của lý tính để hiểu ra sự vô tận của đời sống cũng như sự vô tận của khả năng con người . Không có đích để nhắm tới , không đủ khát vọng và ý chí thực hiện khát vọng , chúng ta nghĩ ra đủ thứ lý do biện hộ cho sự dừng lại của mình .
Đã có nhiều người ca ngợi và biện hộ cho tính thích ứng của người Việt, hiếm hoi lắm mới thấy có người tìm ra ở đây một ý kiến phủ nhận . Trong số này có bà Thái Kim lan Bà cho rằng việc thích ứng quá nhanh làm cho người ta không trau dồi được bản lĩnh và không nâng cao được mình lên .
Nhiều nhà nghiên cứu tâm lý học xuất phát từ kinh nghiệm của các dân tộc khác , cũng có những kết luận tương tự.
Trong một tài liệu mang tên Xã hội học cá nhân, I.X.Kon ( Nga thời xô viết) từng cho rằng về đường trí tuệ kẻ lo thích nghi kém phát triển hơn người độc lập. Họ thường nghe ngóng dao động và rất dễ bảo thủ. Họ không đủ lòng tự tin. So với những nhân cách độc lập, và được phát triển trong điều kiện chính thường, thì quan niệm của họ về bản thân phiến diện hơn hời hợt hơn. Đứng trước thực tế khách quan, năng lực phán đoán của họ thấp. Với người chung quanh họ vừa thiếu tin tưởng vừa dễ bị lừa. Nói chung là họ rất thụ động, hay đạo đức hóa các mối quan hệ và sợ xa rời tiêu chuẩn.
Những đăc điểm đó của con người thích ứng cũng là đặc điểm của của người Việt trong trường kỳ gian nan lịch sử , và đến thời bao cấp.
.Một ông già lần mò tìm kiếm mãi mới có được một bộ đồ trà rất đẹp ,. Chẳng may ông sa vào cảnh làm ăn thất bát , đành mang theo chiếc ấm lang thang khắp nơi . Một lão già khác biết vậy , cho lão tá túc và dùng trăm phương nghìn kế để chiếm lại chiếc ấm đó kể cả giá rất cao . Người chủ nhân chiếc ấm không chịu,vẫn ngày ngày pha trà uống nước . chho tới khi chết.Lúc này lão nhà giàu đi tìm cái ấm , nào ngờ trước lúc trút hơi thở cuối cùng
ông lão ăn mày còn cố sức ném cái ấm ra sân để nó vỡ ra từng mảnh .
Ba Kim từng ghi lại giai thoại sau đây để liên hệ tới cuộc đời nhà văn Lão Xá , người đã tự tử trong Cách mạng văn hóa Mẩu chuyện này có mô-típ tương tự với truyện ngắn

Giã từ nếp sống buông thả

Sau mấy chuyến đi du lịch bụi sang Trung quốc, tôi đặc biệt có ấn tượng tốt về những chiến sĩ cảnh vệ gác trước doanh trại và một số công sở bên ấy. Trên cái bục rộng, đặt vuông vắn, họ đứng thẳng như cây cột, vẻ mặt nghiêm trang kỳ lạ.
Lại nhớ mấy anh em làm nghiệp vụ tương tự bên mình mà buồn, thôi thì dựa lưng vào tường, đứng chân co chân ruỗi đủ kiểu. Chắc chắn là có lúc họ cũng nghiêm chỉnh lắm, nhưng sự nghiêm chỉnh này chỉ được một lúc, không sao kéo dài và ổn định như lẽ ra phải thế.
Gần đây , nhiều trạm gác này của ta cũng đã có bục , và đây có lẽ là một ví dụ về vai trò quan trọng của các trang bị với cách làm việc của con người : các chiến sĩ cảnh vệ ta đã trở nên nghiêm chỉnh hơn trước .
Nhưng trang bị không phải là thứ thuốc bách bệnh .
Mùa lạnh, nhiều phen qua cầu Chương Dương, tôi chỉ ước ao giá kể cấp trên phát thêm cho các nhân viên chỉ huy giao thông một ít găng tay. Vì trong gió lạnh, người nào cũng đút tay vào túi, có giải quyết chuyện gì với người đi đường cũng một tay đút túi mà giải quyết, trông như mấy anh nhân viên trật tự ở một làng xã nào đó, chứ không phải người thay mặt chính quyền chỉ huy giao thông ở cửa ngõ một thủ đô thời hiện đại.
Nhưng tôi biết giá kể có trang bị găng thì rồi các nhân viên đó cũng sẽ nhanh chóng vứt vạ vứt vật đâu đó. Đút tay vào túi có cái thoải mái của nó, chứ găng tay ư, bức bối lắm. Ấy là không kể việc đút tay vào túi, cũng như phì phèo thuốc lá ngay trong khi làm việc công, có cái oai oai của kẻ có quyền, -- nếu không phải là ý thức, thì cái phần tiềm thức nằm sâu trong tâm lý, từng phút từng giây vẫn thì thào với người ta như vậy.
Dẫu sao khi ở ngoài đường, các nhân viên thường được phát trang phục thống nhất nên còn đỡ. Gặp anh cán bộ nhà nước mình trong những phòng làm việc cổ lỗ của Hà Nội mới thấy vui. Thôi thì chỗ này một cô tám rưỡi mới giở gói xôi ra để ăn, chỗ kia ngay cửa ra vào là một anh tán chuyện với người yêu, cười hô hố trong điện thoại.
Nhân dịp con nghỉ hè, một chị mang con đến, mẹ con “bắt chấy bắt rận ” cho nhau. Sắp đến tuổi về hưu, bệnh tật đầy mình, đã mấy năm nay, một ông vừa làm sổ sách vừa không quên để mắt vào ấm thuốc bắc.
Lại như cái chuyện, ở nhiều cơ quan phòng làm việc nào cũng có một bát hương. Không phải tôi mà chính một bậc lão thành năm nay đã ngoại tám mươi là Tô Hoài cũng đã có lần lên tiếng về chuyện này. Chúng tôi hiểu rằng cuộc sống quá bấp bênh, nên nhiều người sinh ra mê tín. Có tốn kém bao nhiêu đâu ? Tội gì không làm. Người ta nghĩ vậy. Và một khi nó đã lan ra thì giống như một thứ sốt nhẹ, dễ lây lan lắm. Nhưng có lẽ nên hạn chế nó lại đặt nó vào phạm vi gia đình là cùng, chứ sao lại mang đến tận công sở thế này.
Thần Phật có có chăng nữa thì cũng phù hộ người chăm chỉ chịu khó nghiêm túc với công việc, chứ đâu có phải cứ lễ bái đều vào, là có bảo hiểm, rồi yên tâm mà tha hồ làm bậy ?
Cách sống buông thả trong các cơ quan hiện nay vốn bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa. Trước tiên, đây là nếp sinh hoạt của cả xã hội.
Thằng con trai mười bốn tuổi của tôi có một thói quen là bất cứ lúc nào xem tivi cũng chỉ thích nằm bò ra sàn. Khi tôi kể chuyện này với nhiều người thì ai cũng gật đầu đồng tình, phần lớn trẻ các nhà đều như vậy.
Dáng đi thũng thĩnh bất cần đời. Ghếch chân ngang mặt khi đọc sách. Cần viết cái gì thì đè ngay lên đầu gối mà viết, hoặc sẵn sàng viết trên một mặt bàn khấp khểnh sách bút, để rồi lấy đó làm cớ biện hộ cho những hàng chữ rất xấu. Ở lớp trẻ hiện nay nhiều thói quen kỳ lạ như vậy đã được hình thành.
Cố nhiên không thể chỉ một chiều trách trẻ con được. Vì cách ăn ở sinh hoạt của người lớn chẳng có hơn gì.
Chưa bao giờ đường phố của chúng ta có nhiều loại xe đẹp xe sang như hiện nay. Nhiều người ăn mặc như vừa từ Paris New York về, mới xuống sân bay hôm qua. Nhưng lạ một cái là những cảnh trái ngược cài chen nhau. Nhiều lần tôi cứ ngỡ ngàng khi bắt gặp một thanh niên vừa diện bộ cánh hảo hạng, dăm phút sau đánh trần cưỡi xe máy ra phố mua thuốc lá, cười nói rầm rĩ. Và nhiều phen lơ đãng nhìn kỹ vào chiếc xe bóng loáng đang đậu vỉa hè, tôi vẫn không quen được cảnh mấy bác không còn trai trẻ cũng xả láng. Trong khi đậu xe chờ sếp, các bác cởi giày, gác cả hai chân lên cửa hóng gió.
Ở Hà Nội từ 1964 về trước, không bao giờ có cảnh vứt chuột chết ra đường và ở các công viên, không có cảnh “ thượng “ cả dép lên trên ghế đá mà ngồi như bây giờ.
Cuộc sống những năm chiến tranh mang lại cho người Hà Nội bao nhiêu thói xấu. Để kịp về nơi sơ tán, trong những chuyến tàu vét, người ta trèo cả lên nóc tàu hỏa mà ngồi. Sau những ngày chầu chực không mua nổi cân gạo, lúc làm ra đồng tiền, nhiều gia đình đồng lòng xả láng một phen cho bõ đời, và thói quen tranh thủ hưởng thụ đã đến một lần là không chịu bỏ đi nữa.
Chiến tranh đầy bất trắc không biết sống chết lúc nào. Ai đó đã viết “ sau cái thời của không biết hy vọng, sẽ đến thời của không biết sợ hãi “. Khi mà buồn vui thất thường thành một cái gì kéo dài thì cả nếp sống tạm bợ lẫn triết lý sống gấp đều là không thể tránh nổi.
Cũng tương tự như vậy, khi nghĩ về văn minh công sở, đúng hơn nếp làm việc buông tuồng và đầy cảm hứng gia đình chủ nghĩa ở các cơ quan hiện nay, trong đầu óc tôi lập tức nhớ lại mấy năm sơ tán.
Đang làm ăn ở Thủ đô đàng hoàng nay kéo nhau về ở nhờ tận các làng quê heo hút, hồi ấy chúng tôi có muốn nề nếp cũng không được. Mỗi người với đủ lệ bộ ông bà vợ con bìu ríu “ nhảy dù “ xuống một nhà dân địa phương . Vừa làm việc vừa cởi trần thổi cơm hoặc trông con. Có làm việc với cán bộ các cơ quan khác thì ngồi bệt ngay đầu hè .
Tâm lý bảo thủ vốn có trăm ngàn bộ mặt. Trong khi đi xe máy thậm chí lái ô tô, nhiều người chúng ta hôm nay vẫn tham gia giao thông bằng tâm lý người đi xe đạp.
Mấy chục năm chiến tranh qua đi, nay đã sang thời hội nhập, Tây Tầu đầy đường, song người ta vẫn sống như thuở còn sơ tán làng quê, cái kiểu tư duy và thói quen hôm qua vẫn giữ nguyên xi như cũ.
Một mặt thì nhà nước thiếu sự chuẩn hóa đội ngũ công chức.
Mặt khác, tôi muốn nói đến cái sức ì trong ứng xử của mọi người hiện nay.
Trước khi gia nhập vào hàng ngũ cán bộ, cả các thủ trưởng – mà bây giờ người ta quen gọi là sếp -- lẫn các nhân viên đều không được trải qua huấn luyện sát hạch gì cả, chỉ thấy người ta bảo mình phải làm việc chứ không thấy ai yêu cầu mình phải thế nào. Ngay kỷ luật công việc còn thiếu, còn không rành mạch, nói chi là kỷ luật sinh hoạt. Không ai biết thế nào là phải. Nhất là không ai nhắc nhở nổi ai. Có vấn đề gì thì cười trừ với nhau là xong. Đã “làm luật” với nhau như thế , có không buông tuồng bừa bãi mới là chuyện khó hiểu.
Khổng Tử vốn nổi tiếng về việc đề cao chữ lễ trong xử thế. Ông bảo đến đâu chiếu trải không ngay ngắn ông không ngồi.
Cái sự nghiêm túc này đẻ ra một loại người mà các cụ ngày xưa gọi là kỹ tính. Họ không chịu qua loa tạm bợ trong bất cứ việc gì.
Người xuề xòa bảo đó là ảnh hưởng phong kiến và không theo. Người tân tiến thì cho rằng tự do mới được coi là tiêu chuẩn số một của xã hội hiện đại. Họ tuyên ngôn : phải nghĩ những chuyện to lớn cơ.
Từ những năm chống Mỹ, nhà văn Nguyễn Tuân đã sớm có một tổng kết thú vị. Với đám lúc ấy còn trẻ là chúng tôi, ông bảo thời nào người ta càng hay nói chuyện lớn lao thì càng hay làm khổ nhau bằng những chuyện lặt vặt.
Trước sau cái nếp sống buông thả trong xã hội cũng tìm được cách thấm vào từng gia đình.
Và đấy là lúc trong cuộc đời “sống chung” với cái sự luộm thuộm bừa phứa , một số người mới thực sự ngấm đòn. Bề ngoài họ tiếp tục tự nuông chiều mình, song tôi biết nhiều người đang âm thầm đau khổ . Ở nhà họ, con cái còn liều lĩnh cẩu thả hơn chính họ nữa.
Lúc tâm sự riêng tư, tôi thường nói với những người quen tỉnh bơ này: trong cái việc nâng cao văn hóa văn minh công chức, chính là chúng ta đã chuẩn bị cho cuộc sống riêng ở tổ ấm nhà mình. Giữa công việc và gia đình, giữa người thân và xã hội, cái sợi dây liên hệ nhiều khi ngắn lắm.

ĐÁM ĐÔNG & CÁCH SỐNG HUNG HÃN

1
Một cảnh tượng tương tự đã từng xảy ra sáu năm trước - ngay khi được đọc tin về những hành vi thiếu văn hóa tại tại lễ hội Hoa anh đào, tôi nhớ lại một vụ bê bối khác.
Hội đền Hùng mùa xuân năm 2002 thường được ghi nhận với việc làm ra một chiếc bánh dày 1,8 tấn . Ngày 9-3 âm lịch, trên đường chuyển đến nơi hành lễ, chiếc bánh bị cả trăm người xúm quanh xô đẩy dằng xé. Bà con đi hội đã tự tiện “thụ lộc”. Trong khoảng hơn một giờ đồng hồ, từ 10 đến 11.30 h, chiếc bánh “bốc hơi” hoàn toàn. ( Báo Tiền Phong ra ngày 22-4-2002 ).
Lùi về thời trước, có lần đọc báo Phong Hóa, tôi đã thấy các nhà văn Tự lực văn đoàn kể chuyện đám công tử Hà Nội đi Hội Lim Bắc Ninh toàn lo chuyện đánh nhau và giở trò gỡ gạc kiếm chác -- chữ hồi ấy gọi là chim gái.
Bởi vậy trước cảnh tượng ở triển lãm Giảng Võ, tôi không lấy làm lạ. Những gì xảy ra ở đây chỉ là một thứ đỉnh lũ của những cơn cuồng vọng hung hãn tự do quá trớn.
Hàng ngày ta đã bỏ qua bao sự việc tương tự. Hàng ngày thấy những mầm mống của nó, ta coi thường và mặc kệ. Theo nghĩa này, không phải chỉ những người đã trực tiếp vào hái hoa bẻ cành mà tất cả chúng ta đã có lỗi .
Trong số những cuốn sách giúp tôi xem xét đời sống, có cuốn Tâm lý đám đông của Gustave Le Bon( viết từ 1905). Tư tưởng chính của cuốn sách: Đám đông thường bị vô thức lôi cuốn. Chính trong đám đông, con người ta bị kích động. Những gì đen tối trong họ bùng phát. Họ trở nên hung hãn liều lĩnh bất chấp mọi chuẩn mực.
Đọc G.Le Bon rồi, tôi không ngạc nhiên nữa.
Tự dăm nay, ở Hà Nội gần như tôi lảng tránh các hội hè triển lãm, ở đó tôi chỉ thấy những đám đông hỗn tạp ồn ào, nó làm tôi buồn thêm về sự xuống cấp của con người. Những điều tưởng như chỉ đúng với xã hội nào khác, hóa ra rất đúng với chúng ta. Thậm chí có cảm tưởng nhà tâm lý học người Pháp viết riêng cho chúng ta nữa.
Từng chi tiết một trong vụ hoa anh đào này đáng để chúng ta dừng lại suy nghĩ. Một thanh niên khi được nhắc nhở đừng làm bậy nữa chỉ bảo “Bình thường thôi”. Một người phụ nữ khi cầm hoa trên ta “bị ‘ chụp ảnh, hồn nhiên nói với con “Ngày mai mẹ sẽ lên báo” ( trích từ báo Lao Động điện tử). Nếu câu nói thứ nhất nói về tính phổ biến của hiện tượng thì câu nói thứ hai ghi nhận một tình trạng tâm lý đáng lo hơn. Con người hôm nay làm việc xấu một cách có ý thức. Họ đã trở nên chai lì. Đối với họ không còn gì là thiêng liêng nữa .
Ai đọc báo chí phương Tây, hẳn thấy những biểu hiện này không phải là quá hiếm hoi với con người trong xã hội hiện đại. Nhà văn Italia U.Eco từng cảnh báo bên cạnh con đường nhân bản, con người đang phát triển theo cái hướng phi nhân. Trên tờ Tin nhanh ở Pháp 1991, nhà triết học A.Gluckman nhận xét “Không gì không thuộc về con người mà lại xa lạ với con người hôm nay cả !“.
Tuy nhiên ở xứ mình , mọi chuyện như có gì đặc biệt hơn. Ba mươi năm, cuộc chiến tranh khủng khiếp bòn rút trong con người gần hết điều tốt đẹp và để lại bao mầm xấu. Tiếp đó lại là ba chục năm vật lộn để sống, mà một trong những nội dung chủ yếu là cuộc truy tìm mọi sự chơi bời hành lạc hưởng thụ lâu nay không được hưởng. Nhiều chuẩn mực sụp đổ, trên nhiều lĩnh vực, xã hội rơi vào tình trạng mà các nhà xã hội học gọi là loạn cương ( anomia). Thiếu lý tưởng, mất lòng tin vào tương lai, từng người tự thả lỏng mình. Chúng ta nuông chiều chúng ta một cách vô lối . Mọi biểu hiện tha hóa biến chất xảy ra hàng ngày sẵn sàng được tha bổng nếu giả vờ hối hận. Tất cả đã chuẩn bị cho những Đền Hùng 2002, Giảng Võ 2008.
Không việc gì phải quá hoảng hốt. Cần thiết là nhân đây cả xã hội cùng đặt lại vấn đề về chính mình. Tôi biết nhà xuất bản trường Đại học Bắc Kinh từ đầu 2000 có cả một xê-ri sách hướng tới đại chúng Trung Hoa đông đảo mang tên “ Giáo dục tố chất nhân văn “. Các ngành truyền thông ở VN cũng đến lúc phải lo vấn đề có tính đại cục đó .

Hà Nội 9-4-08

SỐNG TRONG GHEN GHÉT ĐỐ KỴ


Mấy năm 1986- 1989, tôi cùng hàng chục vạn người Việt làm việc ở Nga. Chúng tôi được trả lương bằng đồng rúp. Nhưng không thể mang tiền về tiêu ở Hà Nội.
Để giúp đỡ gia đình, cách duy nhất chúng tôi có thể làm là kéo nhau đi mua hàng. Hàng ngày những cái đầu đen tỏa ra khắp các cửa hàng Moskva. Các thứ máy khâu bàn là bếp điện vòng bi… trở thành những cái đích tuyệt vời để chúng tôi theo đuổi, chiếm lĩnh.
Mà thời ấy, khốn khổ nước Nga cũng thiếu hàng trầm trọng. Chỗ nào cũng xếp hàng. Vèo một cái hàng đã hết. Có người mua được, người không. May mắn của mình nghĩa là bất hạnh của kẻ khác. Giữa những người Việt cùng đi mua hàng tự nhiên là hình thành một sự thù ghét.
Khi mới sang, bắt gặp một đám người mình đánh hàng, tôi còn lớ ngớ nhờ họ chỉ dẫn. Sau vài lần hỏi mãi mà chỉ nhận được những câu trả lời lăng nhăng, tôi hiểu rằng nếu mình cũng đến mua thì họ hết nguồn. Hẳn họ không thích thú gì trước sự có mặt của kẻ khác.
Đối diện với bản thân, tôi nhận ra chính mình cũng đã có cái tâm lý tương tự . Nguyên tắc không ai bảo ai được toàn thể mọi người tự nguyện thực hiện. Nhiều khi nhìn nhau ở xa đã thấy ngán ngẩm.
Quay trở về “ốp" - nơi ở tập thể, nhìn những cộng đồng dân cư khác thấy thèm. Cả người những nước nghèo hơn mình người Lào người Triều tiên … sao họ có thể thương yêu nhau hơn người mình.
Còn người Việt thì chỉ thấy đồng bào là những kẻ cạnh tranh, là kẻ mua mất thứ hàng mình có thể mua, tóm lại là một đối tượng để ganh ghét.
Chúng tôi thấy xấu hổ vì cách sống cách nghĩ ấy, nhưng cuộc sinh tồn đòi hỏi, trước sau đâu vẫn đóng đấy, và chỉ đành nhủ thầm đây đã là thứ di truyền trong máu mất rồi, không ai bỏ nổi.
Ở đâu con người cũng nói “Đời là một cuộc đấu tranh”.
Ngoài đấu tranh với thiên nhiên, cái triết lý đấu tranh nói ở đây thường được hiểu là đấu tranh với những đồng loại và cuộc đấu tranh này được biểu hiện với vô vàn sắc thái kỳ lạ.
Trong con mắt Bá Dương,” bất kể ở chân trời góc bể nào, hễ có người Trung quốc là có cấu xé lẫn nhau “. Để tồn tại , họ phải thường xuyên tự nhủ lúc nào cũng có người hại mình. Lý Tôn Ngô tổng kết lịch sử Trung quốc cho rằng những người thành công đều là những người mặt dày tim đen. Mặt dày là hoàn toàn vô lương tâm, tim đen là tuyệt đối tàn nhẫn.
Không hoành tráng lắm, song ở người Việt, cuộc đấu tranh này lại hiện ra với vẻ dai dẳng và rộng khắp. Theo Edmond Nordemann “Cuộc đấu tranh vì sự sống, mặc dầu đã được vẻ thờ ơ của phương Đông làm dịu bớt, vẫn mang tính chất khốc liệt rõ ràng hơn tất cả mọi nơi khác" (Quảng tập viêm văn – tài liệu đã dẫn ở một bài trước)
Cho đến thời đương đại, nhận xét này vẫn còn ý nghĩa của nó.Nam Cao viết rằng hạnh phúc là một cái chăn quá hẹp. Nói thế vẫn là quá hiền. Hạnh phúc có nhiều nghĩa mà nghĩa đầu tiên, đơn giản nhất là sự tồn tại. Sống sót mới là động cơ đánh thức nỗi niềm yêu ghét ghê gớm của con người.
Trong Những bước đường tư tưởng của tôi, Xuân Diệu kể lại một lần khoảng 1942 theo xe lửa dừng lại ở một vùng đói Quảng Bình, ông chứng kiến cái cảnh đứa bé ba tuổi giậm chân bắt đền người mẹ : “Nhả ra! trả đây!”.
Thì ra người mẹ lúc cho con ăn, đói quá,không tự chủ được, trót ăn mất của con mấy thìa cơm. Mà đứa trẻ biết.Nó la hét như thế hàng mười lăm hai mươi phút.
Lúc bấy giờ ám ảnh tồn tại đã thắng mọi thứ tình cảm nhân bản khác.
Tại sao có hiện tượng trên? Từ Darwin đến Freud, các nhà tư tưởng vĩ đại đều đã xác định: Đấu tranh trong loài là khốc liệt nhất.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu từng dẫn lại một nhận xét mà ông cho là cực kỳ thông minh của Hàn Phi Tử: “Người muốn giết vua nhất là hoàng hậu và thái tử.”
Có điều lâu nay trong xã hội Việt, chúng ta quen sống bằng một ảo tưởng ngược lại . Toát lên qua ca dao tục ngữ, là cái huyền thoại người nghèo thường biết đùm bọc nhau, chỉ có kẻ giàu mới ác. Song trong thực tế, người nghèo cũng ác, có khi càng nghèo càng ác .
Tại sao? Theo các nhà xã hội học, ở đâu nghèo về vật chất,ở đấy cũng có sự nghèo hèn về tinh thần, và đặc điểm chính của người nghèo là dễ bị tổn thương.
Nghèo ở đây còn có nghĩa là không có khả năng thay đổi đời mình.Trong một xã hội tiểu nông cái mà mội người đều biết làm thì luôn luôn thừa. Cái mà mọi người cùng cần thì luôn luôn thiếu. Hàng thịt nguýt hàng cá. Hai gái lấy một chồng. Bởi chúng ta quá giống nhau nên xảy ra tình trạng như vậy.
Trong giải bóng đá ngoại hạng VN, từ lâu tôi đã nghe nói đến một tình trạng kỳ lạ: Hình như người ta sợ vô địch. Tới bản tin thể thao trên VTV1 tối 27/9/2007, một nhà bình luận cho biết thêm: chỉ những trận cầu play-off mới đáng xem. Bởi đó là những trận người ta phải loại trừ nhau một sống một còn.
Cả hai phương diện trên của bóng đá cũng là tinh thần chung chi phối cuộc sống hôm nay, ở các mặt khác.