Một cuốn sách, mới chỉ đọc qua tựa đề, đã thấy chất chứa trong đó nhiều điều thú vị.
Giới thiệu thân thế và sự nghiệp sáng tác của các nhà văn, phác thảo chân dung của các tác giả, có nhiều người đã từng làm. Vương Trí Nhàn cũng vậy, nhưng bằng kiến thức sâu rộng, bằng sự tìm tòi và với nghệ thuật thể hiện khá độc đáo, ông đã khai mở một con đường mới để giúp độc giả vượt qua khoảng cách về thời gian để gặp lại những nhà văn, nhà thơ. Trong số 39 tác giả được ông nhắc đến trong tác phẩm của mình, có những người đã vắng bóng trên cõi đời, cũng có những người còn bươn chải với nhọc nhằn của cuộc mưu sinh. Nhưng với ai cũng vậy, một tấm chân dung, nói là phác thảo, mà sinh động như bày ra trước mắt độc giả những con người bằng xương, bằng thịt, để trò chuyện, để giao lưu.
Nhuốm lối ngông của Tản Đà, lên trời gặp tiên, gặp người đã quá cố, Vương Trí Nhàn đã thực hiện những cuộc đàm thoại xuyên thời gian, xuyên thế hệ. Những trang viết tường thuật về cuộc gặp gỡ giữa tác giả và những người thiên cổ như Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương… đưa đến cho người đọc một cảm giác ngồi trước sân khấu của một buổi giao lưu, vừa thực tại, vừa hư ảo. Bút lực của Vương Trí Nhàn trong lối viết này thật dồi dào nhựa sống.
Không biết có phải là đồng bệnh tương lân hay không, nhưng rõ ràng trong Cánh bướm và đóa hướng dương, Vương Trí Nhàn đã dành một sự ưu ái đặc biệt cho Nguyễn Bính. Chỉ hơn 10 trang viết, song tác giả đã phác họa những nét chính trong cuộc đời và thi ca của Nguyễn Bính – một nhà thơ đồng quê được nhiều người yêu mến. Qua những trang viết này, người đọc thực sự hiểu vì sao có người lại ví Nguyễn Bính là một Exenhin của Việt Nam.
Với gần 400 trang sách, Vương Trí Nhàn đã phác thảo chân dung 39 nhà văn; tính trung bình mỗi nhà văn chỉ được giới thiệu trong khoảng 10 trang sách – thật quá ít ỏi, quá ngắn ngủi và quá khiêm tốn. Nhưng những nét phác họa trong 10 trang sách ấy, chỉ chấm phá thôi, cũng đủ để khiến người đọc suy ngẫm, và nhận diện được các tác giả này.
Xin nêu một ví dụ: với nhà thơ sinh ra ở cùng núi Tản, sông Đà, nhiều người đã viết, đã giới thiệu tương đối tỷ mỷ. Tầm Dương đã viết một cuốn sách dày tới ba bốn trăm trang mà vẫn cảm thấy chưa đủ. Vậy mà trong Cánh bướm và đóa hướng dương, chỉ với 16 trang viết, Vương Trí Nhàn đã bắt được cái thần của Tản Đà – nhà thơ tài hoa vào bậc nhất củat nửa đầu thế kỷ XX. Ông lấy núi Tản, sông Đà làm tên, nhưng cái tên ấy lại không chỉ thuộc về sông Đà, núi Tản. Nguyên nhân đưa cậu ấm Hiếu trở thành một nhà thơ hóa ra cũng có nhiều nét giống cái số phận đưa đẩy Trần Tế Xương đến với thơ: thi trượt.
Trong Lời dẫn vào cuốn sách, chính tác giả đã bộc bạch rằng, tập sách này tập hợp những phác thảo mà ông đã loay hoay làm việc trong nhiều năm, mỗi đối tượng được nói tới thường trở đi trở lại nhiều lần, một số đã được đưa vào các tập sách khác. Lý do lựa chọn các nhà văn để phác họa chân dung họ trong cuốn sáh hoàn toàn thuộc về cá nhân Vương Trí Nhàn, như ông nói, là chỉ vẽ lại chân dung những ai mà ông thấy có quan hệ với mình, gợi ra cho ông những suy nghĩ và qua đó có thể trình bày một số suy nghĩ của ông với bạn đọc, chứ ông không làm công việc xếp hạng. Bên cạnh những vẩn vơ, chàng màng, bảng lảng, mỗi tên tuổi được đưa vào cuốn sách, vì hầu như họ sinh ra vì văn chương, họ đã sống tất cả cho văn chương. Cả hai cái chất có vẻ ngược nhau ấy hợp cả lại mới làm nên hình ảnh thực của họ và cắt nghĩa được sự tồn tại của họ.
Với Cánh bướm và đóa hướng dương, Vương Trí Nhàn tin rằng viết về sự nối tiếp của các nhà văn cũng là cách để hình dung một quá trình lịch sử văn học. Ông thừa nhận đây là cách hình dung mang đậm những liên tưởng của cá nhân ông, nhưng với nhiều cách hình dung như vậy, thì ý niệm về một đời sống văn học Việt Nam sinh động mới được hoàn chỉnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét